Hiểu đơn giản về truyền hình số DVB-T2, nó cũng giống như truyền hình analog rất thân thuộc trong mỗi gia đình trước đây. Tuy nhiên chất lượng chắc chắn sẽ được cải thiện hơn rất nhiều, bao gồm việc coi độ phân giải cao lên đến 720p đúng tỉ lệ 16:9. Ngoài ra người xem còn được hưởng một số giá trị gia tăng như biết được chương trình đang phát sóng, lịch phát sóng trong khung giờ tiếp theo... Điều mà truyền hình analog không thể thực hiện.
Loại TV nào hỗ trợ chuẩn truyền hình DVB-T2?
Hiện tại, bạn dễ dàng mua được TV có tích hợp bộ thu số DVB-T2 nếu sản phẩm được lắp ráp hoặc nhập khẩu từ đầu năm 2014. Nhà nước đã áp quy chuẩn đến các nhà sản xuất nên vài năm nữa chúng ta sẽ không phải lo về việc mua TV nữa vì nó buộc phải có đầu thu DVB-T2. Các TV cũ thì chỉ còn khả năng bắt được đài analog, tương lai thì các nhà đài sẽ không phát sóng nữa nên chúng ta buộc lòng phải đổi TV mới nếu muốn xem truyền hình dạng miễn phí. Còn nếu bạn tiếc cái TV mua khoảng 70 triệu vào thời điểm năm 2007 mà đến 2020 nó còn xài được thì đành dùng truyền hình qua set-top-box hoặc IPTV vậy.
Ngoài ra, một số TV đời 2013 từ một vài hãng đã tích hợp bộ thu DVB-T2 như Sony BRAVIA W674A / W804A... Thực ra năm ngoái nhà nước chưa bắt buộc các đài phát chuyển từ analog sang digital nên các hãng TV như Sony chưa vội quảng bá tính năng này. Còn năm nay nó là một yếu tố bán hàng quan trọng mà tất cả các hãng đều áp dụng.
Cách kiểm tra trực quan nhất là bạn hãy mở TV lên, vào phần thiết lập của TV rồi xem nó có mục Digital hay không? Nhờ vậy mình mới biết một số TV năm 2013 như Sony BRAVIA W804A có tích hợp đầu thu số DVB-T2.
Lựa chọn và lắp đặt ăn-ten thu DVB-T2
Ban đầu nghe thông tin về DVB-T2 mình cũng tự hỏi là sẽ mua ăn-ten gì. Cuối cùng đã ra tiệm điện tử truyền hình mua một cái ăn-ten trời không xoay nhỏ gọn như hình minh hoạ bên dưới. Khi hỏi người bán thì họ bảo chỉ cần về và gắn dây ăn-ten đã đấu nối vào TV và dò đài là xem được. Ăn-ten mình mua giá 100,000 đồng, đường kính vòng tròn khoảng 40 cm rất nhỏ gọn và có kiểu dáng như bông hoa, điều kiện duy nhất khi lắp đặt là nó phải thấy bầu trời và không có vật cản che.
Một mẫu ăn-ten không cần xoay, đường kính khoảng 40cm được đặt ngoài ban công nhà, hướng trực tiếp thẳng lên trời
Trong topic thảo luận ở Tinh Tế, một số bạn đã chia sẻ một số hình ảnh một số ăn-ten DVB-T2. Chúng ta có thể dùng loại lắp ở trong nhà kiểu dáng xương cá, hoặc loại để bàn. Loại ngoài trời có nhiều kiểu dáng như ăn-ten analog truyền thống cũng có thể bắt gặp. An Viên hay K+ họ dùng loại chảo dạng parabol như phải gắn vào set-top-box.
Một mẫu ăn-ten gắn trong nhà.
Tuỳ vào đặc tính và vị trí lắp đặt ăn-ten mà bạn có thể dò được những đài phát như thế nào. Nếu ở điều kiện không lý tưởng thì bạn có thể không dò và xem được nhiều kênh. Cùng một ăn-ten và dò đài ở hai vị trí khác nhau, lần đầu mình dò được khoảng 69 kênh, lần lý tưởng nhất là 110 kênh (bao gồm cả kênh miễn phí và kênh khoá mã).
Bạn được lợi ích gì khi xem truyền hình số DVB-T2?
-
Chất lượng cải thiện rất đáng kể: chúng ta đã phải chấp nhận xem truyền hình analog độ phân giải 352 x 288 pixel trên các TV LCD hiện đại hỗ trợ 720p/1080p quá nhiều năm với chất lượng không đảm bảo. Giờ là lúc truyền hình số phải thay thế nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng và công nghệ. Với truyền hình số tại Việt Nam, bạn có thể xem được đến chất lượng 720p.
-
Lắp đặt ăn-ten đơn giản: chuẩn DVB-T2 có thể sử dụng những loại ăn-ten đơn giản, không phải mất công để xoay nhằm cải thiện tín hiệu. Tuỳ vào loại ăn-ten sẽ có những đặc tính phù hợp để bạn lắp đặt nó.
-
Giá trị cộng thêm: bạn có thể biết được chương trình của đài đang phát, biết được một số chương trình sắp phát sóng kế tiếp.
Ngoài ra, TV sẽ được đồng bộ thời gian với nhà đài. Vì thế lỡ có tắt TV thì nó cũng không bị sai ngày tháng, phù hợp để bạn sử dụng tính năng báo thức / tự tắt TV.
-
Trong quá trình sử dụng, mình còn phát hiện ra một số đài phát còn có phụ đề dạng âm thanh thứ hai như VTV3. Bình thường trong một số bộ phim nước ngoài đang thuyết minh giọng Bắc, nhưng nếu chuyển qua audio khác thì đài lại phát thuyết minh giọng Nam. Đây là điều ngạc nhiên nhất trong quá trình sử dụng của mình.
-
Tính sẵn sàng: không phải mất cả chục giây khởi động set-top-box hoặc IPTV, bạn chỉ cần bật phím Power trên TV và sau từ 2 - 5 giây là có thể xem được ngay.
Danh mục chương trình (Guide) có thể hiển thị nhờ công nghệ số
Phần thông tin được ghi rất rõ ràng đối với một số kênh được hỗ trợ: chất lượng 576i, tên chương trình đang phát và chương trình sắp tới
Các kênh tự hiện tên nên bạn dễ dàng theo dõi, không phải mất công nhập kênh bằng tay như truyền hình analog
Thử nghiệm thực tế
Chất lượng tín hiệu cao nhất mà các đài phát ở Việt Nam đang dùng là 720p, bao gồm VTV1 HD, VTV3 HD và VTV6 HD. Phổ biến nhất là chất lượng 576i ở nhiều kênh của VTV, VTC, HTV... Các kênh miễn phí bắt được của An Viên có chất lượng ở mức cao hơn một chút là 576p, còn lại thấp hơn là 480p. Có thể thấy truyền hình số đều vượt qua chất lượng 240p/288p của truyền hình analog.
VTV3 HD đang phát với chất lượng 720p
Tính cả các kênh trùng lập thì hiện có khoảng 41 kênh truyền hình xem miễn phí, trong đó bao gồm 3 kênh HD 720p của VTV (VTV1 HD, VTV3 HD, VTV6 HD) và 2 kênh radio của VOV. Hơn 60 kênh còn lại, bao gồm cả kênh nước ngoài và Việt Nam đang ở trạng thái không giải mã được.
Chất lượng hình ảnh thể hiện rõ nhất thuộc về các kênh phát chuẩn HD 720p. Khi đó bạn sẽ xem truyền hình chuẩn 16:9 thực sự, không còn bị hiện tượng kéo dãn khung hình khiến chủ thể bị dài ra.
Tôi có thể dùng dịch vụ truyền hình từ bên khác?
Tất nhiên, hiện tại các đầu thu truyền hình số (set-top-box) đều có cổng HDMI hoặc Compoment/Composite thì nguồn tín hiệu vào không phải là cổng ăn-ten. Hiện tại ngoài cổng ăn-ten gắn truyền hình chuẩn DVB-T2, mình dùng thêm OneTV (IPTV) của FPT qua set-top-box dùng tín hiệu vào là HDMI. Tất nhiên nếu bạn truyền hình cáp trực tiếp như kiểu SCTV thì hơi bất tiện cho việc tháo dây cáp ăn-ten qua lại.
Giải pháp cho các kênh khoá mã?
Câu hỏi này khá thú vị. Nếu nhà cung cấp không mở khoá kênh thì bạn chẳng có cách nào xem được cả. Những kênh như vậy được thương mại hoá và bạn phải trả tiền để xem. Tuy nhiên hình thức cung cấp tín hiệu trực tiếp như vậy chưa được triển khai tại Việt Nam cho đến giờ.
Trên thị trường có 1 dòng TV của Samsung giải quyết được việc xem một số kênh khoá mã là H5510. Nó được tích hợp khe cắm CI để giải mã các kênh trả tiền, tất nhiên là bạn vẫn phải gắn ăn-ten không thì khỏi bắt sóng gì được luôn. Tuy nhiên hiện chỉ có đài truyền hình An Viên là có cung cấp thẻ giải mã này. Còn các hãng khác như K+... thì vẫn phải dùng set-top-box. Nó chỉ giải quyết một phần cho việc bạn không cần phải mua đầu thu đắt tiền. Như vậy bạn có thể xem được các kênh được phát qua An Viên.
Một cách mở khoá kênh cho truyền hình tích hợp DVB-T2. Tuy nhiên rất hiếm TV loại này có trên thị trường VIệt Nam.
Kết luận
Hiện tại DVB-T2 mới chỉ được phát ở 5 thành phố lớn tại Việt Nam. Thật tiếc cho các bạn ở tỉnh xa chưa được tận hưởng truyền hình độ nét cao với TV tích hợp. Đề án số hoá truyền hình của nhà nước còn dài và chúng ta phải chờ đến 6 năm nữa mới có thể tận hưởng hết được những giá trị mà truyền hình số đem lại. Còn bây giờ bạn có thể mua TV có tích hợp đầu thu DVB-T2 về để dành, còn các bạn ở thành phố lớn thì mua cái ăn-ten gắn vào TV DVB-T2 là xem được.